Tư vấn về đặt tên và địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể

Câu hỏi:

Kính thưa Luật Sư, tôi muốn thành lập hộ kinh doanh sản xuất thực phẩm nhưng tìm hiểu qua các trang mạng thì vẫn chưa hiểu đưuọc các thức đặt tên và và địa điểm sản xuất.
Ví dụ : Tên tôi dự định đặt là ” HỘ KINH DOANH+ CƠ SỞ SẢN XUẤT THỰC PHẨM QUÊ HƯƠNG” VẬY CÓ ĐÚNG KHÔNG THƯA LUẬT SƯ? Hay là ” HỘ KINH DOANH+ NGUYỄN VĂN TÈO” – CƠ SỞ SẢN XUẤT THỰC PHẨM QUÊ HƯƠNG.2. Là địa chỉ sản xuất thì cũng chỉ sản xuất ở 1 địa chỉ vậy khi đổi sang chỗ khác sản xuất nhiều hơn thì phải làm sao? Hoặc khi bị di dời sản xuất thì phải hủy giấy cũ?
Mong Luật Sư trả lời giúp tôi để tôi hiểu rõ hơn.

Luật sư Thu Huế trả lời:

Thứ nhất, về tên hộ kinh doanh.

Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, quy định về việc đặt tên hộ kinh doanh như sau:

1. Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Cụm từ “Hộ kinh doanh”;

b) Tên riêng của hộ kinh doanh.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.

2. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

3. Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.

4. Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.”

Như vậy, bạn đặt tên gồm cụm từ “hộ kinh doanh + cơ sở sản xuất” hay đặt tên “hộ kinh doanh + tên của chủ hộ kinh doanh” đều đúng pháp luật. Tuy nhiên cần phải đáp ứng điều kiện về việc tên riêng của hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh khác đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.

Thứ hai, về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh.

Điều 86 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:

“1. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.”

Theo đó, hiện nay một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm, trong đó lựa chọn 1 địa điểm để đăng ký trụ sở của hộ kinh doanh, các địa điểm còn lại phải thông báo cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường tại nơi đặt các địa điểm còn lại. 

Trường hợp bạn muốn thay đổi địa điểm trụ sở của hộ kinh doanh thì chủ hộ kinh doanh gửi thông báo thay đổi tới cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Sau khi thay đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới, hộ kinh doanh phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cũ.

Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:

Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534

Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!

0/5 (0 Reviews)

Luật Sư Thu Huế

Luật sư Thu Huế tên đầy đủ là Phạm Thị Thu Huế. Cô là Luật Sư chuyên về các vấn đề về kinh tế. Vừa điều hành văn phòng luật sư Thu Huế vừa là tác giả của website vpluatsuthuhue.com để cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản khi thực hiện thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp. Thủ tục đầu tư trong nước và ra nước ngoài. Thủ tục đầu tư của người nước ngoài vào Việt Nam. Thủ tục thực hiện các giấy phép con trong kinh doanh. Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ và thủ tục điều chỉnh các giấy phép kinh doanh.

Trả lời