Công ty cổ phần miễn nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị.
Câu hỏi:
Công ty tôi là Công ty Cổ phần. Thành lập từ cuối năm 2015. Có 5 cổ đông góp vốn. Hiện nay công ty có bầu chức danh Chủ tịch HĐQT (kiêm Giám đốc) theo biên bản họp giữa các cổ đông nhưng không có các thành viên HĐQT. Sau 2 năm hoạt động, dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT – Giám đốc ( chiếm 51% cổ phần) Công ty làm ăn thua lỗ. Hiện tại 4 cổ đông còn lại muốn cơ cấu lại bộ máy Công ty. Tôi xin hỏi và nhờ Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi:
1. Nếu 4 cổ đông còn lại đồng lòng nhất trí miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Giám đốc thì có thực hiện được không? Căn cứ nào để thực hiện được?
2. Nếu họp Đại hội cổ đông thì ông Chủ tịch HĐQT (chiếm 51% cổ phần) có quyền phủ quyết các nghị quyết của đại hội cổ đông hay không?
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Luật sư Thu Huế trả lời:
Pháp luật doanh nghiệp hiện hành không có quy định về cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần. Do đó, theo những gì bạn trình bày trên đây, có thể 5 cổ đông góp vốn từ khi công ty thành lập là cổ đông sáng lập và số cổ phần mà 5 cổ đông sở hữu là cổ phần phổ thông.
Vậy, trường hợp các cổ đông còn lại đồng lòng nhất trí miễn nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị (giám đốc) chỉ có thể thực hiện được nếu điều lệ công ty có quy định, theo điểm d Khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2014:
Điều 156. Miễn nhiệm, bãi nhiệm và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị
“1. Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 151 của Luật này;
b) Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
c) Có đơn từ chức;
d) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.”
Trong trường hợp này, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty của công ty cổ phần bạn có thể bị miễn nhiệm nếu không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về nhân thân, trình độ, phẩm chất theo quy định tại Điều 151 Luật Doanh nghiệp hoặc không tham gia các hoạt động của Hội đồng quả trị trong 06 tháng liên tục hoặc có đơn xin từ chức. Nếu như không thuộc các trường hợp này thì chỉ có thể dựa vào các quy định tại Điều lệ công ty mới có thể miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị.
Vậy, nếu công ty bạn có quy định nếu chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành khiến cho công ty làm ăn thua lỗ thì các cổ đông sáng lập còn lại có quyền miễn nhiệm người này thì mới được miễn nhiệm.
Đối với trường hợp về quyền phủ quyết của chủ tịch hội đồng quản trị chiếm 51% cổ phần tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông:
Theo Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông:
“1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
3. Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
4. Chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có quyền quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp theo quy định tại Điều 139 của Luật này.”
Vậy, khi triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần đầu, nếu chủ tịch hội đồng quản trị vắng mặt thì cuộc họp sẽ không được tiến hành. Đồng thời việc tiến hành các cuộc họp sau cuộc họp lần thứ nhất cần phải đảm bảo về mặt thời hạn theo quy định của pháp luật.
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông, nghị quyết sẽ được thông qua nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Điều 144. Điều kiện để nghị quyết được thông qua
“1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:
a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định;
đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;
e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
2. Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
……..”
Trong trường hợp công ty bạn muốn miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị thì sẽ thuộc điểm c Khoản 1 Điều luật nêu trên là thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; và trường hợp này cần phải có sự đồng ý của 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, tỷ lệ cụ thể sẽ do điều lệ công ty quy định. Lưu ý là tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp. Vậy, nếu đây là trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai hợp lệ mà không có chủ tịch hội đồng quản trị tham gia thì số cổ phần của chủ tịch hội đồng quản trị sẽ không phụ thuộc vào số phiếu biểu quyết tại cuộc họp.
Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:
Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534
Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!