Chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư! Có công ty cổ phần hiện tại đang có 300 cổ phần, mỗi cổ phần trị giá 10.000, bao gồm có 4 cổ đông sáng lập. các cổ đông này đang muốn chuyển nhượng cổ phần và công ty này cho 3 thành viên khác, trong đó em sẽ giữ 50% cổ phần. 

Vậy em muốn hỏi luật sư, thủ tục bao gồm những gì và em nắm 50% cổ phần thì em có được giữ chức chủ tịch HĐQT không. Công ty cổ phần không cần giám đốc mà chủ tịch HDQT là người đại diện pháp luật thì có được không ạ? Em xin cảm ơn

Luật sư Thu Huế trả lời:

Thứ nhất về thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định như sau về vấn đề chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần:

1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế ề chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặ thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty.

4. Trường hợp cổ phần của cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền  thừa kế thì số cổ phần đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

5. Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn  bộ cổ phần của mình tại công ty cho người khác, sử dụng cổ phần để trả nợ. Trường hợp này, người được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ là cổ đông của công ty.

6. Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.

7. Người nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

Sau 3 năm kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ đông sáng lập công ty có quyền tự do chuyển chượng cổ phần của mình cho người khác. Như vậy, có hai hình thức để cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, đó là: thông qua hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

+ Hình thức chuyển nhượng thông qua hợp đồng: Đây được xem như một hợp đồng dân sự mua bán chuyển nhượng của phần giữa bên chuyển nhượng (bên bán) và bên nhận chuyển nhượng (bên mua). Hai bên có thể thỏa thuận về giá chuyển nhượng, số cổ phần chuyển nhượng, cách thức thanh toán… Hợp đồng được lập bằng văn bản và phải có chữ ký của cả hai bên hoặc do người đại diện theo ủy quyền của họ ký.

+ Hình thức chuyển nhượng cổ phần thông qua sàn giao dịch chứng khoán:  người muốn chuyển nhượng cổ phần có thể thông qua doanh nghiệp phát hành chứng khoán đăng ký với Ủy ban chứng khoán nhà nước để thực hiện việc chào bán cổ phần ra thị trường.

Thứ hai, điều kiện trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý của công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Chủ tịch Hộ đồng quản trị là một thành viên và cũng là người đứng đầu Hội đồng quản trị. Theo Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên Hội đồng quản trị phải có đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau:

a. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp.

b. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty , trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.

c. Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.

d. Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ  trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng Giám đốc và người quản lý khác của công ty, không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

Chủ tịch hội đồng quản trị sẽ được bầu ra trong số các thành viên của Hội đồng quản trị và có thể kiêm luôn chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.

Như vậy, sau khi nhận chuyển nhượng, bạn sẽ trở thành một cổ đông của công ty. Với tỷ lệ cổ phần là 50% vố điều lệ, bạn có thể là cổ đông có số cổ phiếu cao nhất của công ty. Tuy nhiên, để bầu ra Chủ tịch Hội đồng quản trị không phải căn cứ vào tỷ lệ cổ phần. Để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành thành viên của Hội đồng quản trị và sau đó còn phụ thuộc vào số phiếu bầu cho bạn.

Thứ ba, người đại diện của Công ty cổ phần

Căn cứ khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Như vậy, nếu Điều lệ công ty cổ phần có quy định công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì hoặc là Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc là Giám đốc, Tổng Giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty. Nếu Điều lệ có quy định công ty có 2 đại diện theo pháp luật thì cả Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng Giám đốc ) đều là người đại diện theo pháp luật của công ty. Nếu Điều lệ không có quy định gì thì Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:

Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534

Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!

0/5 (0 Reviews)

Luật Sư Thu Huế

Luật sư Thu Huế tên đầy đủ là Phạm Thị Thu Huế. Cô là Luật Sư chuyên về các vấn đề về kinh tế. Vừa điều hành văn phòng luật sư Thu Huế vừa là tác giả của website vpluatsuthuhue.com để cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản khi thực hiện thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp. Thủ tục đầu tư trong nước và ra nước ngoài. Thủ tục đầu tư của người nước ngoài vào Việt Nam. Thủ tục thực hiện các giấy phép con trong kinh doanh. Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ và thủ tục điều chỉnh các giấy phép kinh doanh.

Trả lời