Khi ký kết hợp đồng góp vốn thì cần những nội dung gì để bảo vệ quyền lợi cho các bên?

Câu hỏi:

Kính gửi quý công ty. Tôi đang có một số thắc mắc mà chưa biết làm thế nào, kính mong quý công ty tư vấn giúp ạ.Tôi có 1 người bạn thân đã mở xưởng may hoạt động cũng được khoảng 8-9 năm. cách đây 1 năm bạn tôi mở 1 công ty cổ phần may với người khác nhưng xưởng này vẫn hoạt động riêng biệt ( Vẫn là của người bạn đó chứ không cổ phần). Bây giờ vì muốn thêm vốn nên bạn tôi muốn tôi tham gia góp vốn.

Vậy tôi xin hỏi :

1. Tôi phải làm hợp đồng như thế nào để sau này có lợi cho tôi nếu như không may xưởng ngưng hoạt động. 

2. Liệu t có cần phải bảo bạn tôi thành lập 1 công ty khác trong đó có bạn tôi và tôi không? liệu 1 người có thể làm giám đốc của 2 công ty được không ? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Luật sư Thu Huế trả lời:

Căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp, nếu như xưởng may và Công ty cổ phần của người bạn đó hoạt động độc lập với nhau, hiện tại bạn của bạn muốn thêm vốn nên muốn bạn tham gia góp vốn vào xưởng may thì trong trường hợp này bạn có thể làm hợp đồng góp vốn (nếu xưởng may là loại hình doanh nghiệp), nếu không phải doanh nghiệp thì sẽ thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

– Về hợp đồng góp vốn:

Căn cứ theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”.

Trong trường hợp này,  bạn góp vốn để tăng thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập, khi góp vốn sẽ phát sinh quyền sở hữu doanh nghiệp cho người góp vốn, sau khi góp tài sản vào vốn điều lệ công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ tiến hành các thủ tục bổ sung thành viên công ty, cổ đông (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần), hoặc chuyển đổi loại hình công ty ( đối với công ty TNHH 1 thành viên).

Nội dung của hợp đồng góp vốn gồm các điều khoản như sau:

– Thông tin của các bên: bên góp vốn và bên nhận góp vốn (bao gồm cả thông tin người đại diện của bên nhận góp vốn là doanh nghiệp).

– Tài sản góp vốn:

+ Căn cứ vào Điều 35  Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về tài sản góp vốn bao gồm: “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”. Như vậy, người góp vốn có thể lựa chọn góp bằng nhiểu hình thức khác nhau.

+ Xác định tài sản góp vốn thuộc quyền sở hữu của ai.

– Giá trị tài sản góp vốn.

– Thời hạn góp vốn.

– Mục đích của việc góp vốn.

– Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.

– Phương thức giải quyết tranh chấp.

– Phân chia lợi nhuận và rủi ro (nếu có).

– Cam đoan của các bên.

Hợp đồng góp vốn phải có chữ ký của các bên, có thể công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, đối với hợp đồng góp vốn mà tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất thì phải được công chứng hoặc chứng thực.

– Về Hợp đồng hợp tác kinh doanh:

Căn cứ theo Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

2. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản”.

Nội dung của hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 505 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

– Mục đích, thời hạn hợp tác;

– Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;

– Tài sản đóng góp, nếu có;

– Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;

– Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;

– Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;

– Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;

– Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;

– Điều kiện chấm dứt hợp tác.

Nếu xưởng may thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, khi bạn góp vốn vào thì người đại diện theo pháp luật của xưởng may sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Do đó, bạn không cần thiết phải bảo bạn của bạn thành lập một công ty khác, trong đó có bạn và bạn của bạn.

Nếu xưởng này không phải doanh nghiệp, khi bạn làm hợp đồng hợp tác kinh doanh thì theo hợp đồng bạn chỉ là bên hợp tác kinh doanh với bạn của bạn (thành viên hợp tác), theo thỏa thuận thì các bên sẽ cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện một công việc nhất định, được phân chia lợi nhuận và cùng chịu trách nhiệm.

Về việc một người có thể làm Giám đốc của hai công ty hay không:

Căn cứ Điều 65 Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra quy định về tiêu chuẩn, điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc chung cho các công ty TNHH và công ty cổ phần như sau:

“Điều 65. Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc

Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.

Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệmtrongquản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.

Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó”.

Ngoài ra, Khoản 8 Điều 100 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc đối với doanh nghiệp nhà nước thì bạn không thể đồng thời làm giám đốc hai công ty này:

“Điều 100. Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc

…. 8. Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác”.

Căn cứ theo các quy định trên, có thể thấy một người có thể làm Giám đốc công ty TNHH và đồng thời làm Giám đốc công ty cổ phần khi đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 65 Luật Doanh nghiệp 2014, Điều lệ công ty và không có công ty nào là doanh nghiệp Nhà nước.

Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:

Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534

Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!

0/5 (0 Reviews)

Luật Sư Thu Huế

Luật sư Thu Huế tên đầy đủ là Phạm Thị Thu Huế. Cô là Luật Sư chuyên về các vấn đề về kinh tế. Vừa điều hành văn phòng luật sư Thu Huế vừa là tác giả của website vpluatsuthuhue.com để cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản khi thực hiện thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp. Thủ tục đầu tư trong nước và ra nước ngoài. Thủ tục đầu tư của người nước ngoài vào Việt Nam. Thủ tục thực hiện các giấy phép con trong kinh doanh. Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ và thủ tục điều chỉnh các giấy phép kinh doanh.

Trả lời