Thời gian đi bộ đội có được tính BHXH không?

Câu hỏi:

Tháng 11/1977 tôi trúng tuyển và nhập học tại một trường trung cấp chuyên nghiệp. Tới tháng 8/1978 theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc tôi tham gia bộ đội bảo vệ biên giới phía bắc. Tháng 12/1982 tôi hoàn thành nghĩa vụ về trường tiếp tục học đến tháng 12/1985 học xong tốt nghiệp ra trường. Đến tháng 8 năm 1986 tôi được nhận công tác tại một đơn vị trong ngành giao thông vận tải cho tới nay. Hàng tháng vẫn đóng bảo hiểm (BHXH) đầy đủ, tới tháng 10/2019 nghỉ hưu theo chế độ. Tôi muốn hỏi, cách tính thời gian công tác liên tục, cụ thể đến nay được bao nhiêu năm. Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư Thu Huế trả lời:

Theo như trình bày, chúng tôi hiểu ông muốn hỏi thời gian đi bộ đội có được tính BHXH không?

Tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định, tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội như sau:

“2. Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01/01/1995 đã được tính là thời gian đã đóng BHXH) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH:

a) Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31 tháng 12 năm 1960 trở về trước;

b) Điểm a Khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước;

c) Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10 tháng 01 năm 1982;

d) Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;

đ) Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;

e) Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương;

g) Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân dân được tính hưởng bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, điều kiện để cộng nối thời gian trong quân đội vào thời gian tính đóng BHXH là:

– Phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993 không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định nêu trên hoặc;

– Phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15/12/1993 – 31/12/1994 mà chưa giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, BHXH một lần.

Theo đó, ông đi bộ đội từ tháng 8/1978 – tháng 12/1982 và không thuộc đối tượng hưởng chế độ trợ cấp nêu trên. Do vậy, thời gian ông tham gia quân đội được cộng nối với thời gian tham gia BHXH sau này.

Cụ thể,

Thời gian tham gia quân đội (từ tháng 8/1978 – 12/1982): 4 năm 4 tháng tương ứng với 4,5 năm;

Thời gian tham gia BHXH (từ tháng 8/1986 – 10/2019): 33 năm 2 tháng tương ứng với 33,5 năm.

Tổng thời gian đóng BHXH là 38 năm (thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm – khoản 2 Điều 17 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH).

Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:

Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534

Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!

0/5 (0 Reviews)

Luật Sư Thu Huế

Luật sư Thu Huế tên đầy đủ là Phạm Thị Thu Huế. Cô là Luật Sư chuyên về các vấn đề về kinh tế. Vừa điều hành văn phòng luật sư Thu Huế vừa là tác giả của website vpluatsuthuhue.com để cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản khi thực hiện thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp. Thủ tục đầu tư trong nước và ra nước ngoài. Thủ tục đầu tư của người nước ngoài vào Việt Nam. Thủ tục thực hiện các giấy phép con trong kinh doanh. Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ và thủ tục điều chỉnh các giấy phép kinh doanh.

Trả lời