Thu hồi công nợ của công ty đối tác bị vỡ nợ.
Câu hỏi:
Hiện tai bên doanh nghiệp em rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Công ty em có ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá trị giá 600 triệu và đã giao đủ hàng hoá cũng như hoá đơn GTGT (Trong hợp đồng có điều khoản công nợ được phép trả trong vòng 30 ngày kể từ ngày xuất hoá đơn. Điều này được đồng ý do 2 công ty làm ăn uy tín với nhau được hơn 1 năm). Hợp đồng này phía đối tác đã thanh toán được 200 triệu còn nợ 400 triệu. Tuy nhiên, sang tháng thứ 2 đối tác bị phía ngân hàng niêm phong nhà xưởng sản xuất. (Sự việc là thật). Để thông cảm cùng nhau, công ty em cũng để đối tác dần dần xử lý với ngân hàng để tìm cách quay lại sản xuất, lúc đấy mới tính đến khoản nợ. Đến nay, thời gian nợ đã là 08 tháng và đối tác thông báo: ngân hàng không đồng ý phương án kinh doanh để tái cấp tín dụng. Đề nghị đối tác thanh lý toàn bộ tài sản công ty và tài sản cá nhân đã thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, nếu thanh lý toàn bộ thì cũng không đủ thanh toán dư nợ hiện tại với ngân hàng (vẫn nợ trên 5 tỷ). Việc này hoàn toàn chính xác do công ty em cũng có tín dụng với ngân hàng này nên kiểm tra thông tin hoàn toàn chính xác. Như vậy phía đối tác chắc chắn là phá sản, mà nếu phá sản thì theo quy tắc trả nợ thì công ty em chắc không có cơ hội để thu hồi đủ.
Xin luật sư tư vấn cho em xem có cách nào để thu hồi công nợ không ạ? 1) Nếu đối tác không làm thủ tục phá sản thì công ty em có cơ hội thu hồi công nợ không. 2) Có quyền đề nghị đối tác bán tài sản cá nhân khác (nhà cửa hoặc ô tô) để thanh toán không ạ. Em xin chân thành cảm ơn luật sư và rất mong nhận đươc tư vấn sớm.
Luật sư Thu Huế trả lời:
Thứ nhất, về việc thu hồi nợ từ phía đối tác.
Trường hợp doanh nghiệp của bạn, ngân hàng, công ty đối tác hoặc những người có liên quan theo Điều 5 Luật Phá sản 2014 không có yêu cầu mở thủ tục phá sản, thì công ty bạn có quyền yêu cầu phía đối tác thanh toán khoản nợ với công ty mình. Việc thanh toán khoản nợ này dựa trên thỏa thuận trong hợp đồng, khả năng chi trả của đối tác hoặc thỏa thuận khác của các bên. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì công ty bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
Trường hợp có yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía Ngân hàng hoặc các đối tượng khác quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 thì nếu sau Hội nghị chủ nợ, các bên không thể thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc có nhưng bị đình chỉ và phải mở thủ tục phá sản, các khoản nợ của công ty đối tác sẽ được phân chia theo thứ tự quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014. Tuy nhiên, với khoản nợ của đối tác với Ngân hàng có bảo đảm sẽ được xác định theo Khoản 3 Điều 53 như sau:
“3. Việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
a) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó;
b) Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.”
Theo thông tin bạn cung cấp, Ngân hàng yêu cầu đối tác thanh lý toàn bộ tài sản công ty và tài sản cá nhân đã thế chấp ngân hàng nhưng nếu thanh lý toàn bộ thì cũng không đủ thanh toán dư nợ hiện tại với ngân hàng mà vẫn nợ trên 5 tỷ nên theo thứ tự tại Điều 54 Luật trên, khoản nợ của công ty bạn sẽ được thanh toán sau khi thanh toán khoản nợ có bảo đảm.
Thứ hai, về việc yêu cầu dùng tài sản riêng của đối tác để trả nợ.
Trường hợp thủ tục phá sản được mở, Điều 64 Luật Phá sản 2014 quy định về Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán như sau:
“2. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh mất khả năng thanh toán gồm:
a) Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh; trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đó được chia theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, nếu phía đối tác bị phá sản, tài sản khác của cá nhân của đối tác được đưa vào để trả nợ phải thuộc trường hợp tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh. Theo đó, công ty đối tác phải được đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì tài sản của đối tác mới được đưa vào khi giải quyết việc trả nợ.
Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:
Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534
Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!