Sử dụng tiền người khác phạm tội để mua sắm có phạm pháp không?
Câu hỏi:
Em gái tôi sống chung như vợ chồng với anh A. Anh A có rất nhiều tiền do tổ chức đánh bạc, đánh bạc, tổ chức cá độ bóng đá, chủ lô đề, cung cấp mà tuý đá, thuốc lắc… Em gái tôi mặc dù biết tất cả số tiền đó đều là tiền phạm pháp, và biết những hoạt động phạm pháp của anh A, nhưng em gái tôi vẫn sử dụng tiền đó để mua sắm quần áo, trang sức, vòng vàng, mua xe máy đắt tiền… Cho tôi hỏi nếu anh A bị bắt vì các tội danh trên thì em gái tôi có phạm tội không? Nếu có thì mức hình phạt như thế nào? Các tài sản em gái tôi đã mua sắm có bị tịch thu không?
Luật sư Thu Huế trả lời:
heo thông tin bạn cung cấp, với các hành vi trên, anh A có thể bị bắt và truy tố với các tội danh theo Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: Tội đánh bạc (Điều 321); Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); ….
Như vậy, nếu anh A bị bắt và truy tố về các tội danh trên và em gái bạn đã biết, được biết về hành vi phạm tội nhưng không tố giác với cơ quan chức năng hoặc đã có hành vi che giấu thì em gái bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vì em gái bạn đang sống chung như vợ chồng với anh A, chưa đăng ký kết hôn nên cả hai sẽ không được coi là vợ chồng và không thỏa mãn điều kiện tại khoản 2, Điều 19, Bộ luật Hình sự 2015 để không phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi không tố giác tội phạm.
Do đó, căn cứ khoản 1, Điều 19, Bộ luật Hình sư năm 2015 nếu em gái bạn biết rõ hành vi phạm tội của anh A đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Điều 390, Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội không tố giác tội phạm quy định như sau:
“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”
Như vậy, nếu anh A bị bắt và truy tố về các tội danh liên quan đến ma túy (các tội phạm được quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015) và em gái bạn có hành vi phạm tội không tố giác tội phạm thì mức hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Còn nếu anh A bị bắt và truy tố về các tội danh còn lại như tổ chức đánh bạc, đánh bạc, tổ chức cá độ bóng đá, chủ lô đề,… (các tội phạm không được quy định tại Điều 389, BLHS 2015) thì tùy theo hành vi mà em gái bạn đã thực hiện liên quan đến tội phạm để xác định tội danh và mức độ chịu hình phạt cho em gái bạn.
Các tài sản mà em gái bạn sử dụng tiền có được từ hành vi phạm tội của anh A để mua sắm quần áo, trang sức, vòng vàng, mua xe máy đắt tiền … sẽ bị tịch thu theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 47, Bộ Luật Hình sự năm 2015 như sau: “Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội“.
Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:
Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534
Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!