Trách nhiệm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Ban kiểm soát khi Kế toán trưởng có hành vi vi phạm?
Câu hỏi:
Ông A là Kế toán Trưởng của công ty đã vi phạm các thủ tục kế toán để trục lợi cá nhân kéo dài từ tháng 04/2018 đến tháng 07/2019 mới bị phát hiện. Tháng 3/2019 công ty đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông và Ban kiểm soát đã báo cáo tài chính chứng từ kế toán rõ ràng, thu đủ chi đúng… thực hiện đúng Luật Kế toán. Xin hỏi: Trường hợp này trách nhiệm liên đới của Chủ tịch HĐQT; của Tổng Giám đốc và của Ban kiểm soát khi để sự việc xảy ra nhưng không phát hiện được? Rất mong được luật sư phản hồi sớm.Trân trọng!
Luật sư Thu Huế trả lời:
Đối với Ông A là kế toán trưởng nhưng có hành vi lợi dụng các thủ tục kế toán để trục lợi cá nhân trong một thời gian dài. Hành vi này của ông A có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015.
Tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.
Do đó, trong trường hợp này công ty có quyền yêu cầu ông A có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền mà ông A đã chiếm đoạt, bồi thường thiệt hại do hành vi của ông A gây ra hoặc có thể nộp đơn tố cáo tới cơ quan công an về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, theo thông tin bạn cung cấp thì việc ông A lợi dụng thủ tục kế toán trong thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 7/2019 mới bị phát hiện, trong trường hợp Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Trưởng ban Kiểm soát có sự cấu kết với ông A để chiếm đoạt tài sản của công ty thì sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, theo bạn trình bày thì Ban Quản trị, Tổng Giám Đốc và Ban Kiểm soát không phát hiện được hành vi này của ông A mà chỉ khi Đại hội cổ đông họp lại mới phát hiện và rà soát lại thì mới phát hiện nên trong trường hợp này người chịu trách nhiệm là ông A.
Đối với vấn đề trách nhiệm của Chủ tịch hội đồng quản tri, Tổng Giám Đốc và Ban kiểm soát không phát hiện được sai phạm của nhân viên thì căn cứ vào qui định của pháp luật và điều lệ của công ty về quyền và trách nhiệm để có những hình thức kỷ luật hợp lý cho việc để xảy ra sai phạm làm tổn thất tài sản của công ty.
Đại hội đồng cổ đông có thể căn cứ vào Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014 để thực hiện các quyền của mình trong công ty:
2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;
b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;
c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;
đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;
h) Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;
Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:
Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534
Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!