Tư vấn việc ủy quyền trong công ty cổ phần
Câu hỏi:
Công ty tôi đang làm việc là Công ty cổ phần, hiện tại Giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty không làm việc nữa. Thời gian tới tôi được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Như vậy Công ty tôi không có giám đốc có được không ?
Nếu được ai sẽ là người có quyền ủy quyền cho tôi để thực hiện các công việc trong Công ty như ký hóa đơn giá trị gia tăng, hay ký các hợp đồng khác? Thủ tục ủy quyền như thế nào ? Tôi xin chân thành cảm ơn !
Luật sư Thu Huế trả lời:
1/ Giám đốc của công ty cổ phần:
Theo điều 134 Luật doanh nghiệp 2014:
” Điều 134. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.
2. Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.”
Chức danh Giám đốc và Tổng Giám đốc công ty cổ phần theo quy định của pháp luật tại khoản 1 Điều 116 Luật Doanh nghiệp như sau:
” Điều 116. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty
1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.”
Như vậy, công ty cổ phần của bạn bắt buộc phải có giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2/ Thủ tục uỷ quyền công ty cổ phần
Theo quy định về người đại diện theo pháp luật trên thì doanh nghiệp – công ty cổ phần sẽ có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Chính vì vậy, nếu như công ty bạn có nhiều người đại diện theo pháp luật thì khi chủ sở hữu là giám đốc không làm việc nữa thì người đại diện còn lại của công ty sẽ tiếp tục thực hiện các công việc của người đại diện theo pháp luật bình thường mà không cần phải ủy quyền lại cho một người khác
Còn nếu như công ty bạn chỉ có một người đại diện theo pháp luật duy nhất thì khi đó giám đốc (đồng thời là chủ sở hữu) của công ty sẽ có quyền ủy quyền lại cho một người khác (có thể là phó giám đốc) miễn là người này đáp ứng các điều kiện để trở thành người đại diện theo ủy quyền cho giám đốc theo bộ luật dân sự 2005
Điều 581 bộ luật dân sự 2005 quy định:
” Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
” Điều 582. Thời hạn uỷ quyền
Thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.”
Điều584 Bộ luật dân sự 2005 về Nghĩa vụ của bên được uỷ quyền:
“Bên được uỷ quyền có các nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện công việc theo uỷ quyền và báo cho bên uỷ quyền về việc thực hiện công việc đó;
2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện uỷ quyền về thời hạn, phạm vi uỷ quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi uỷ quyền;
3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc uỷ quyền;
4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc uỷ quyền;
5. Giao lại cho bên uỷ quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc uỷ quyền theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.”
Theo quy định của Điều584 Bộ luật dân sự nêu trên thì người được ủy quyền phải thực hiện các nghĩa vụ trong phạm vi công việc được ủy quyền, nếu đã ủy quyền rồi thì người được ủy quyền thực hiện thay công việc của người ủy quyền. Trường hợp đã ủy quyền rồi mà trong văn bản ủy quyền lại không có công việc thuộc phạm vi ủy quyền, công việc đó lại bắt buộc người đại diện theo pháp luật ký thì người được ủy quyền không được ký mà Người đại diện theo pháp luật phải trực tiếp ký.
Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:
Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534
Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!