Tranh chấp đất đai không có giấy tờ phải làm thế nào?
Câu hỏi:
Năm 1995 tôi có khai hoang mảnh đất khoản 1500m2. Cùng thời điểm tôi có trồng cây phi lao trên mảnh đất đó (đã được những người xung quanh xác nhận).
Đến năm 2017 ông Đinh V. T chặt phá hết cây của tôi (đào luôn cả gốc), lấn chiếm toàn bộ mảnh đất. Gia đình tôi có ngăn cản nhiều lần nhưng ông T vẫn thực hiện hành vi phá cây, lấn đất (ông có nói là đất của ông và cây ông trồng).
Ông có đưa ra tờ giấy xác nhận rằng mảnh đất đó là của ông được trưởng thôn ký xác nhận năm 1988 (hiện tại trưởng thôn đã mất). Đến nay, diện tích đất đó chưa có ai kê khai đăng ký, không có tên trong sổ mục kê, sổ địa chính, trên bản đồ thể hiện đất rừng phòng hộ.
Năm 2018 tôi có gửi đơn đến UBND xã để yêu cầu giải quyết nhưng không thấy trả lời. Được biết ông T đang thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất trên diện tích đất đó.
Vậy tôi xin hỏi: Tờ giấy trưởng thôn xác nhận năm 1988 của ông T có cơ sở pháp lý không? Nếu tôi làm đơn ra tòa thì khả năng có lấy lại được mảnh đất đó không?
Luật sư Thu Huế trả lời:
Thứ nhất, tính pháp lý giấy xác nhận của trưởng thôn năm 1988
Theo Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào 02 yếu tố:
1- Thời gian sử dụng đất;
2- Nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ:
+ Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;
+ Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;
+ Quyết định hoặc bản án của Tòa án đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;
+ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất;
+ Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;
+ Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;
+ Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;
+ Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;
+ Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;
+ Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.Lưu ý:
Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ trên không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.
Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ trên hoặc giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.
Theo thông tin bạn cung cấp và căn cứ quy định trên, có thể thấy, giấy xác nhận của trưởng thôn từ năm 1988 không thuộc các giấy tờ làm căn cứ để xác định việc sử dụng ổn định thửa đất đó của ông T.
Do vậy, giấy xác nhận đó không được coi là căn cứ pháp lý để chứng minh ông T là người quản lý sử dụng thửa đất đó từ năm 1988.
Thứ hai, về vấn đề khởi kiện ra tòa để đòi lại mảnh đất
Đây là tranh chấp đất đai nên thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất là thủ tục bắt buộc theo Điều 202 Luật Đất đai 2013. Do đó, trước tiên bạn cần gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Trường hợp hòa giải không thành và do đất không có Giấy chứng nhận, bạn được lựa chọn 01 trong 02 hình thức giải quyết tranh chấp đất đai sau:
– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện;
– Khởi kiện tại Tòa án.
Tuy nhiên, để được chấp nhận yêu cầu khởi kiện, bạn phải đưa ra được những căn cứ chứng minh bạn là người đã sử dụng thửa đất đó.
Theo bạn trình bày, bạn khai hoang thửa đất từ năm 1995 nhưng không có giấy tờ chứng minh việc khai hoang và quản lý sử dụng đất đó, đồng thời trên sổ mục kê không thể hiện ai là người đang sử dụng thửa đất đó.
Nếu bạn cũng không có bất cứ một giấy tờ nào khác để chứng minh thời điểm và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của bạn.
Thông tin liên hệ Văn phòng Luật sư Thu Huế:
Trụ sở chính: Số 2 – Phố Tô Hiệu – Phường Tô Hiệu – Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La.
Chi nhánh: Số 1A – Ngõ 74 – Phố Yên Hòa – Quận Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0335470534
Trên đây là toàn bộ thông tin mà bạn cần tham khảo. Nếu có điều gì thắc mắc về vấn đề trên, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời nhất nhé!